Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Tác dụng làm đẹp của cây neem Ấn Độ

Cây neem có một vị trí đáng quý trọng trong văn hóa Ấn Độ nhờ hiệu quả chống lại bệnh tật đã được chứng minh từ hàng nhiều thế kỷ qua. Lá cây neem được sử dụng từ hơn 4.000 năm trước tại Ấn Độ, giúp làm đẹp bằng nhiều cách đơn giản.

Hầu như tất cả các bộ phận của cây neem có thể được sử dụng từ lá, hoa và trái cây vỏ cây, cành và thậm chí cả gốc rễ. Các chiết xuất từ ​​cây neem được dùng làm kem dưỡng da, xà phòng, dầu, bột, viên nang, dầu gội đầu và kem đánh răng.

Lá neem
1. Nước tắm

Nấu một nồi nước với lá cây neem (cho khoảng 50 lá vào hai lít nước) cho đến khi lá mềm và phai màu còn nước thì trở nên xanh. Lọc lấy nước chứa vào chai. Cho khoảng 100ml nước này vào trong nước tắm sẽ giúp làm lành vết nhiễm trùng da, mụn và u nhọt.

2. Nước hoa hồng cho da

Nước neem cũng có thể dùng làm nước hoa hồng – chỉ cần nhúng miếng bông vào, thoa lên mặt mỗi tối, sẽ giúp xóa mụn, làm mờ vết sẹo và tàn nhang. Dung dịch này còn có thể dùng làm nước xả khi gội đầu để điều trị gàu và tóc rụng.

3. Mặt nạ dưỡng da & trị mụn


Bột lá neem của Neem's Secret
Đem bột lá neem cho thêm ít mật ong, sữa chua và sữa đậu nành trộn đều. Đắp hỗn hợp lên mặt (có thể thực hiện mỗi tuần ba lần) sẽ giúp xóa hết mụn trứng cá, làm khô u nhọt, tẩy mụn cám và làm se lỗ chân lông. Mật ong và lá neem là chất dưỡng ẩm hiệu quả.

4. Thuốc trị bệnh

Vỏ và rễ cây neem giàu dược tính, khi tán thành bột được dùng để trị chấy rận và gàu. Do mang tính kháng khuẩn nên hột neem được dùng làm thuốc trị vảy nến, ghẻ lở và chàm bội nhiễm. Chiết xuất từ lá neem và hạt được dùng để sản xuất các hoạt chất giảm đau, giảm sốt và chống viêm, trị thương, phỏng, nhức tai, bong gân và đau đầu.

Theo Baophunu.com.vn

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Cây neem trồng ở đâu Việt Nam & thế giới?

Bạn đã biết cây neem là cây gì, các tác dụng của cây neem nhưng chưa biết cây neem trồng ở đâu ở Việt Nam & trên thế giới? Bài viết này sẽ liệt kê chi tiết những nơi có trồng cây neem.

Trên thế giới, cây neem sống ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Myanma, và Pakistan, tại các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới như Đông Phi, Nigeria.

Cây neem được đưa đến Châu Phi hồi đầu thế kỷ này và hiện nay đã trồng ít nhất ở 30 quốc gia, đặc biệt những quốc gia trồng tại vùng ven phía Nam sa mạc Shahara, nơi mà nó trở thành một nguồn cung cấp chất đốt, gỗ và là thành phần không thể thiếu trong các hệ thống nông lâm kết hợp của các quốc gia này.

Cây neem cũng được trồng ở Fiji, Mauritius, vùng vịnh Caribe và nhiều quốc gia khác ở Trung và Nam Mỹ.

Cây neem trồng ở đâu ở Việt Nam?

Cây neem - xoan Ấn Độ được dẫn nhập vào Việt Nam từ năm 1981, nguồn giống được lấy từ Senegal và cũng trong năm này cây neem được gieo ươm và trồng đầu tiên ở Phan Thiết - Bình Thuận. Ba năm sau 1984, những cây neem đầu tiên ở Phan Thiết – Bình Thuận bắt đầu cho ra quả và được gieo ươm, đem trồng ở Tuy Phong. Năm 1995 - 1996 tại huyện Phước Dinh, Ninh Phước (Ninh Thuận) tiến hành trồng thử nghiệm được 3 ha cây neem.

Cây neem ở Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ


Hiện nay cây neem đang được trồng phổ biến tại 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Ngoài ra, cây neem cũng được trồng ở Kiên Giang, Châu Đốc (An Giang).

Cây neem được xem là cây trồng chủ lực và cùng trồng với keo lá tràm, nhằm mục đích chắn gió, chắn cát bay, và là rừng phòng hộ ven biển góp phần phủ xanh và cải tạo điều kiện môi trường khắc nghiệt nơi đây. Đồng thời là nơi cung cấp nguồn giống chủ yếu cho các khu vực lân cận. Hiện tại, những công dụng tuyệt vời về chữa bệnh và làm đẹp của cây neem hầu như vẫn chưa được người Việt khai thác.

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Cây neem là cây gì?

Có nhiều bạn không biết cây neem là cây gì, trồng ở đâu, có tác dụng gì? Bài viết này xin giới thiệu rõ về cây neem.

Cây neem - xoan Ấn Độ

Cây neem (đọc là “nim”), cùng họ với cây xoan, có tên Việt Nam là cây sầu đâu, xoan sầu đâu, cây sầu đông, xoan ăn gỏi, xoan trắng, “cây xoan chịu hạn” vì nó sống ở miền nhiệt đới, thích hợp với khí hậu khô, nóng, chứ không sống được ở miền lạnh. Vì cây neem được trồng rất nhiều ở Ấn Độ và được người dân Ấn sử dụng nhiều trong chữa bệnh, làm đẹp... nên thường gọi là là “cây neem Ấn Độ” hoặc cây xoan Ấn Độ (tên khoa học: Azadirachta indica)

Trong các ngôn ngữ khác, cây neem Ấn Độ được gọi là: Neem tree (tiếng Anh), Azad Dirakht (tiếng Ba Tư), DogonYaro (tiếng Nigeria), Margosa, Neeb (tiếng Ả Rập), Nimtree, Nimba (tiếng Phạn), Vepu, Vempu, Vepa (Telugu), Bevu Kannada, Veppam (Tamil), ở Đông Phi, cây này được gọi là Mwarobaini (Kiswahili), có nghĩa là cây 40; vì người ta cho rằng cây này có thể dùng làm thuốc trị được 40 bệnh khác nhau.

Đây là một trong hai loài thuộc chi Azadirachta, và sống ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Myanma, và Pakistan, tại các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây neem Ấn Độ được trồng rất nhiều ở các nơi như là Kiên Giang, Châu Đốc và Ninh Thuận.

Tìm hiểu kỹ hơn: Cây neem trồng ở đâu Việt Nam & thế giới?

Đặc điểm của cây neem


Cây neem lớn nhanh, có thể đạt chiều cao 15–20 m, hiếm khi cao 35–40 m. Đây là cây thường xanh nhưng gặp khi hạn hán thì cây có thể rụng hết lá. Nhánh cây tỏa rộng có tán rậm hơi tròn hoặc ô van và có thể đạt đường kính 15–20 m.

Lá cây neem có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Hàng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Người dân thường hái lá sầu đâu để ăn và bán.

Quả và lá neem

Tác dụng của cây neem


Lá neem đã được khoa học chứng minh sự hữu hiệu trong việc phòng ngừa và chữa trị bệnh. Từ xa xưa, người Ấn Độ đã coi cây neem là "cây thần dược" vì loài cây này giúp trị rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh tiểu đường. Rất nhiều người mắc bệnh tiểu đường đã có thể giữ được lượng đường trong máu ổn định nhờ uống trà lá cây này. Người ta còn dùng lá neem để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét, chống oxy hóa tế bào và kháng các tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư và có thể trị được các bệnh như là chứng ngứa âm hộ, bệnh ghẻ, viêm gan, viêm dạ dày, trị loét dạ dày, loét ruột, táo bón, đau nhức...

Kế đó, cây neem còn có rất nhiều tác dụng làm đẹp, nó giúp trị các bệnh về da như mụn, trứng cá, lở loét, da nhăn, da khô, vẩy nến, đầu bị gàu,… Quả không hổ danh là “cây thần dược”!

Tìm hiểu thêm: Tác dụng làm đẹp của cây neem Ấn Độ

Cây neem trong ẩm thực Việt Nam


Lá neem (sầu đâu) là nguyên liệu chính để làm món gỏi sầu đâu. Lá trụng với nước sôi (hay ngon nhất là trụng với nước cơm sôi, được nấu bằng củi) cho bớt vị đắng. Thịt ba rọi luộc, xắt mỏng. Tôm sú luộc, bỏ vỏ. Khô sặc rằn nướng xé nhỏ. Dưa leo và xoài xanh bằm sợi. Trộn đều tất cả với nước mắm ớt pha chua, ngọt cho vừa khẩu vị. Rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, thêm vài lát ớt vào dĩa gỏi cho có màu sắc hấp dẫn.

Cây neem trong văn hóa Việt Nam

Ở Việt Nam, đặc biệt là Nam bộ, cây neem được gọi là cây sầu đâu hoặc đọc trại là sầu đông.

Trong văn học Việt Nam, nhà văn Nhã Ca là tác giả cuốn tiểu thuyết Mưa trên cây sầu đông lấy cây sầu đâu, một đặc thụ của Huế, làm bối cảnh cho cuộc tình giữa một người lính Việt Nam Cộng hòa và một cô gái Huế trong Chiến tranh Việt Nam vào cuối thập niên 1960.

Cây sầu đâu cũng xuất hiện trong âm nhạc. Bài hát Sầu đâu quê ngoại của Cao Nhật Minh được ca sĩ Cẩm Ly thể hiện rất thành công. Còn có bài Cây sầu đông của Võ Tá Hân, ca khúc Mưa mùa đông của Minh Vy với câu mở đầu: "Hàng cây sầu đông đang bơ vơ ngoài hiên vắng  / Và nước mắt ai, còn đọng lại trên mi / Khi người ra đi, anh như cây sầu đông cô đơn nhớ em"